+ Về giáo dục – đào tạo:
Tiềm năng kinh tế của một đất nước phụ thuộc vào trình độ khoa học – công nghệ của đất nước đó. Trình độ khoa học – công nghệ lại phụ thuộc vào các điều kiện giáo dục. Giáo dục – đào tạo giúp cho người lao động có đủ tri thức, năng lực, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của công việc. Người lao động qua quá trình đào tạo sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện các công việc mà xã hội phân công sắp xếp.
Giáo dục và đào tạo là động lực thúc đẩy, là điều kiện cơ bản để đảm bảo việc thực hiện những mục tiêu kinh tế – xã hội. Giáo dục và đào tạo nhằm vào định hướng phát triển, trước hết cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động mới đủ về số lượng, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả để đảm bảo việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Người lao động thủ công ở vùng nông thôn
+ Về Khoa học – công nghệ:
Khoa học – công nghệ đã làm biến đổi cơ cấu đội ngũ lao động. Bên cạnh những ngành nghề truyền thống đã xuất hiện những ngành nghề mới, cùng với nó là xu hướng tri thức hoá công nhân, chuyên môn hoá lao động, giảm bớt lao động chân tay nặng nhọc.
Trong nền kinh tế phát triển, người lao động muốn thích ứng với các công việc xã hội yêu cầu. Trước hết, họ phải là những người được trang bị nhất định về khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, trong thực tế ở những nước sản xuất kém phát triển thường có mâu thuẫn: Nếu công nghệ sản xuất tiên tiến với các dây chuyền sản xuất tự động hoá, chuyên môn hoá cao thì trình độ người lao động chưa bắt kịp dễ dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động bị gạt ra khỏi quá trình sản xuất kinh doanh. Vì thế, bên cạnh công việc đào tạo nâng cao trình độ lành nghề cho người lao động, vấn đề lựa chọn áp dụng mức độ công nghệ nào trong dây chuyền kinh doanh phải tính toán thận trọng. Bởi vì, chính sách khoa học – công nghệ có tác động mạnh mẽ đến vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động.