3.1.1- Một số vấn đề cơ bản của kinh tế thị trường.
Kinh tế thị trường là kiểu tổ chức kinh tế xã hội, ở đó cơ chế kinh tế như là một guồng máy kinh tế tự điều chỉnh toàn bộ quá trình sản xuất hàng hoá, dịch vụ thông qua cạnh tranh, cung cầu, giá cả về số lượng trên thị trường. Đã có nhiều nghiên cứu về thị trường và cơ chế thị trường. Nguồn gốc cơ bản là sự phân công lao động xã hội và một số nhân tố khác đã tạo ra những tiền đề khách quan để kinh tế hàng hoá ra đời và phát triển. Về mặt bản chất, khi nghiên cứu kinh tế thị trường người ta đã tìm ra cơ chế tự điều chỉnh trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hoá và cho rằng nếu xét trong nền sản xuất hàng hoá thì ở đó tồn tại những phạm trù, quy luật tương ứng. Sự vận động của các phạm trù, quy luật đó sẽ điều chỉnh các hoạt động của sản xuất và lưu thông hàng hoá một cách khách quan. Và vì vậy, người ta thường nhấn mạnh tính chất "tự điều chỉnh của cơ chế thị trường". Tuy nhiên, các quy luật của sản xuất hàng hoá như quy luật cung cầu và giá cả thị trường, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh là các quy luật kinh tế xã hội, hoạt động của chúng thông qua hoạt động của con người. Con người nhận thức quy luật và vận dụng quy luật phục vụ lợi ích cho mình. Nhận thức quy luật để hiểu rõ cơ chế hoạt động của nó, tìm ra cơ chế vận dụng thích hợp. Vận dụng quy luật là từ cơ chế hoạt động của chúng, tìm ra các điều kiện để quy luật xuất hiện theo xu hướng có lợi cho con người. Từ đó, con người sẽ chủ động tạo ra các điều kiện gắn với các xu hướng vận động có lợi đó. Như vậy, nói tới cơ chế thị trường, một mặt hàm chứa yếu tố tự thân, tự điều chỉnh. Thực chất là sự tự điều chỉnh của các chủ thể kinh tế thông qua ứng xử của họ tới quá trình vận động của các quy luật kinh tế thị trường. Mặt khác, nó còn hàm chứa yếu tố tác động của nhà nước. Tất nhiên, về yêu cầu, đây là sự tác động theo một cơ chế vận dụng phù hợp với yêu cầu các quy luật của cơ chế thị trường và theo những mục đích định sẵn.
Nghiên cứu thị trường và cơ chế thị trường trên ba khía cạnh: Về tổ chức thị trường, các quy luật kinh tế thị trường và tính kính thích xã hội hoá sản xuất, có thể rút ra những ưu việt của cơ chế thị trường như sau:
Một là: Cơ chế thị trường tự nó đề cao nhu cầu xã hội, đề cao người tiêu dùng, đề cao khách hàng với tư cách là "Thượng đế"của các chủ thể sản suất kinh doanh. Sự đề cao này đã buộc người sản xuất phải hướng tới người tiêu dùng trên các phương diện: Tạo ra các giá trị sử dụng hữu ích, vì người tiêu dùng chỉ bỏ tiền ra khi việc mua hàng hoá đó có ích, phục vụ các nhu cầu thường xuyên đa dạng và biến động với chất lượng cao, giá thành hạ, với phương thức tương ứng thích hợp và thuận tiện.
Hai là: Cơ chế thị trường đề cao tự do kinh tế, thừa nhận lợi ích cá nhân với tư cách là những động lực to lớn của sự phát triển kinh tế xã hội. Chính sự đề cao tự do kinh tế cộng với sự thừa nhận lợi ích cá nhân, về mặt tích cực đã tạo ra sự năng động, tính nhạy bén của từng ngành, từng cơ sở kinh tế và từng người lao động, tính nhạy bén của từng ngành, từng cơ sở kinh tế và từng người lao động. Đây vừa là kết quả, vừa là điều kiện cho quy luật cạnh tranh phát huy tính tích cực của nó, vì trong cạnh tranh, bằng cải tiến thiết bị, nâng cao tay nghề công nhân, sự năng động trong tìm kiếm sản xuất các giá trị sử dụng mới là con đường cơ bản để từng doanh nghiệp, từng ngành đạt được lợi nhuận siêu ngạch, Kết quả là doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao, người tiêu dùng nhận được hàng hoá với chất lượng tốt, giá trị sử dụng ngày càng phong phú và đa dạng, giá cả hàng hoá ngày càng hợp lý.