Dự án Khu Công nghiệp Phước Nam, tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 1050/TTg ngày 06 tháng 7 năm 2006 và ngày 16 tháng 08 năm 2006 Bộ Xây dựng đã có quyết định số 1151/QĐ- BXD phê duyệt Qui hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2000) khu công nghiệp Phước Nam với tổng diện tích 369,92 ha nằm trên địa bàn xã Phước Nam thuộc huyện Ninh Phước;
Ngày 16 tháng 3 năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Quý Ninh Thuận thực hiện đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phước Nam. Ngày 30 tháng 6 năm 2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có Quyết định số 3849/QĐ-UBND, thành lập Khu Công nghiệp Phước Nam thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Theo qui hoạch thì Khu công nghiệp Phước Nam là khu công nghiệp đa ngành thu hút các loại hình đầu tư như sau:
– Công nghiệp điện tử, tin học và các ngành công nghệ cao.
– Công nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy.
– May mặc, giầy da xuất khẩu.
– Công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, thực phẩm.
– Đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu.
Đến nay, nhà đầu tư hạ tầng (Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Quý) đang triển khai xây dựng hạ tầng trên phạm vi khu đất giai đoạn 1 là 151 ha); bao gồm các hạng mục: Đường giao thông, san lấp mặt bằng: đã hoàn thiện san lấp, lu lèn mặt bằng, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống điện, hệ thống thoát nước v.v.
Hệ thống tổ chức hoạt động của các khu công nghiệp
Theo quy định thì các Cụm Công nghiệp Tháp Chàm và Thành Hải cùng với các Khu Công nghiệp Du Long và Phước Nam đều đặt dưới sự quản lý về mặt nhà nước và điều hành của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp của tỉnh Ninh Thuận;
Tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp của tỉnh gồm có 01 Trưởng ban và 02 Phó Trưởng ban; hệ thống giúp việc có 20 người được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, bộ máy có 01 Văn phòng và 02 Phòng nghiệp vụ; theo kế hoạch được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt thì Ban có 02 Trung tâm trực thuộc là: Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Dịch vụ việc làm và Trung tâm giới thiệu sản phẩm cho các Nhà đầu tư.
Căn cứ vào tình hình hoạt động, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh sẽ thành lập văn phòng đại diện tại mỗi Khu công nghiệp và mỗi văn phòng sẽ có một số cán bộ thường trực để tổng hợp tình hình hoạt động và giải quyết những thủ tục hành chính theo quy định của Nhà nước cho các nhà đầu tư.
+ Đối với Khu Công nghiệp Du Long: Hiện nay, Liên danh Công ty TNHH Huachen Long Đức Phong (Trung Quốc) – Công ty Hoàng Quân (Việt Nam) hiện nay, Nhà đầu tư đã khởi công và đầu tư hạ tầng kỹ thuật; nhưng theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận thì Khu công nghiệp Du Long đã có 25 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đăng ký đầu tư và dự kiến hoạt động vào cuối năm 2008.
+ Đối với Khu Công nghiệp Phước Nam: Cũng giống như Khu Công nghiệp Du Long, hiện nay Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Quý là nhà đầu tư sơ cấp đang thi công phần hạ tầng kỹ thuật, đã kêu gọi và đã có 13 doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký đầu tư và dự kiến sẽ có một số doanh nghiệp hoạt động vào cuối năm 2008. Việc quản lý và kêu gọi đầu tư do nhà đầu tư sơ cấp thực hiện.