– Trung Quốc với những lợi thế như lao động, công nghệ, nguyên vật liệu, vốn… đã phát triển sản xuất hàng loạt với giá rẻ, không quan tâm đến số lượng nhỏ vì sản xuất nhỏ sẽ khó hơn. Như vậy không có nghĩa Trung Quốc lớn mạnh như thế thì Việt Nam nhỏ bé của chúng ta không có chỗ đứng trong việc sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Việt Nam cần chuyển từ cạnh tranh đơn thuần dựa trên lợi thế về giá nhân công thấp sang cạnh tranh bằng giá trị gia tăng và đổi mới tăng chất lượng dịch vụ. Việt Nam vẫn có thể phát triển được bằng cách cung cấp sản phẩm cho các thị trường nhỏ hơn, thị trường dành cho sản phẩm đắt tiền, tinh xảo, đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao và phẩm chất tốt. Có thể nói rằng chính những sản phẩm loại này là những hàng có nhu cầu cao tại các nước phát triển và có khả năng mang lại nhiều lợi nhuận. Do đặc điểm sản phẩm may mặc có vòng đời ngắn, mang tính thời trang và chịu chi phối bởi các yếu tố văn hoá, phong tục tập quán, tôn giáo, khí hậu, giới tính, tuổi tác nên với đặc điểm là nước có nền văn hoá đa dạng và phong phú nên trong thời gian tới các sản phẩm may mặc Việt Nam cần chuyển từ sản phẩm đòi hỏi hàm lượng trí tuệ thấp, không mang tính thời trang và văn hoá sang sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và chứa đựng yếu tố văn hoá, khai thác bản sắc văn hoá dân tộc để tạo nên phong cách riêng, nhãn hiệu riêng góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
– Tạo lập tên tuổi và khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế cũng như chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm cuả mình là con đường mà những nhà sản xuất Trung Quốc đã thực hiện thành công. Để thực hiện được việc này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải đề ra những chiến lược dài hạn dựa trên sự kết hợp hài hòa các giải pháp về nâng cao chất lượng, công tác marketing, không ngừng nâng cao năng lực của mình trong khâu thiết kế, đảm bảo thời gian giao hàng. Đặc biệt, trong giai đoạn dệt may Việt Nam chưa có tên tuổi trên thị trường thì cách tốt nhất là thâm nhập thị trường bằng cách mua bằng sáng chế, bản quyền nhãn hiệu của các công ty nước ngòai và liên kết sản xuất với 2-4 thương hiệu nước ngòai như cách Trung Quốc đã làm để sản xuất ra những sản phẩm của họ với giá rẻ hơn, qua đó thâm nhập vào thị trường thế giới bằng sản phẩm “made in VietNam“ đồng thời học tập kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ để tiến tới tự thiết kế mẫu mã, sản xuất ra
– Với thực tế các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang thiếu nhân lực trong cạnh tranh quốc tế nên Việt Nam cần sớm có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút và đào tạo cán bộ quản lý, kinh doanh, thiết kế; công nhân kỹ thuật cho ngành. Cũng giống như Trung Quốc, Việt nam cần phải tăng cường hợp tác với các công ty nước ngoài để học hỏi các kinh nghiệm quản lý, chuyển giao các công nghệ hiện đại…Vẫn duy trì một mức độ nhất định xuất khẩu bằng hình thức gia công để giải quyết việc làm; từng bước khắc phục điều kiện sản xuất lạc hậu; học hỏi kinh nghiệm marketing quốc tế, tổ chức quản lý sản xuất; tiếp thu và từng bước đổi mới công nghệ, tích luỹ nguồn lực tài chính, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện xuất khẩu trực tiếp một cách có hiệu quả. Như vậy, về lâu dài, xuất khẩu trực tiếp phải trở thành phương thức xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam.
– Cần phải tích cực tham gia các hoạt động quảng cáo, thu thập thông tin về phong tục, tập quán, thói quen tiêu dùng, tập quán thương mại, thủ tục hải quan, thủ tục xuất nhập khẩu, hệ thống phân phối của các nước, tính chất nhu cầu về hàng dệt may, đối thủ cạnh tranh, phương thức cạnh tranh… để giúp doanh nghiệp xác định được chiến lược sản xuất mặt hàng gì, số lượng sản xuất, khả năng xuất khẩu, năng động trong việc đổi mới mẫu mã, đáp ứng nhu cầu phong phú của thị trường. Chẳng hạn, kinh nghiệm của Trung Quốc trong giải pháp về thị trường là cử nhân viên tiếp thị mang sản phẩm đi chào hàng trực tiếp với các công ty nhập khẩu hàng dệt may.
– Tổ chức các cuộc hội thảo để phổ biến cho các doanh nghiệp về tình hình hội nhập của Việt Nam (những cam kết với Mỹ và 27 nền kinh tế có yêu cầu đàm phán song phương, cơ hội và thách thức…) cũng như các nguyên tắc của WTO, các Hiệp định đa biên của WTO (Hiệp định về các biện pháp tự vệ, Hiệp định về dệt may, Hiệp định chống bán phá giá…) để ngay từ bây giờ các doanh nghiệp có phương án chuẩn bị, có giải pháp phối hợp giữa các doanh nghiệp, Hiệp hội dệt may, các Bộ, ngành có liên quan… một cách hợp lý, tránh những bất lợi có thể nảy sinh, chẳng hạn như sự phát triển quá “nóng” của dệt may Trung Quốc dẫn đến việc trước nguy cơ mất thị phần, các công ty dệt may ở các nước đã phải lên tiếng kêu gọi chính phủ tìm các biện pháp giúp đỡ, và Trung Quốc đã bị tái áp hạn ngạch tại thị trường EU, Mỹ.
– Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy công nghiệp dệt may của nước này lớn mạnh được như thế là một phần có sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước dưới nhiều hình thức. Chương trình trợ cấp vốn của chính phủ Việt Nam đối với dệt may bị bãi bỏ theo yêu cầu để được gia nhập WTO (Nghị định 55) nhưng không có nghĩa Nhà nước bỏ chương trình tăng tốc phát triển ngành này. Chẳng hạn, áp dụng những „trợ cấp đèn xanh“ mà WTO cho phép, có những chính sách ưu đãi về thuế VAT (VD: miễn thuế VAT đối với nguyên phụ liệu, hóa chất, thuốc nhuộm, chất trợ nhập khẩu… trong một thời gian nhất định), chính sách tỉ giá hối đoái, chính sách tín dụng và hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này phải “khéo léo“, linh hoạt, tránh tình trạng sau một thời gian phát triển, chúng ta bị các nước như Mỹ, EU kiện vì “bán phá giá“ như trường hợp giày da, thủy sản…