Trong những năm gần đây, phương pháp học STEM rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy chương trình học STEM là gì? Và có thật sự hiệu quả đối với các em học sinh hay không? Bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ một số nội dung về STE đến với các bạn.
Chương trình học STEM là gì?
STEM là chương trình giảng dạy có tích hợp Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Toán học (Math) có ứng dụng thực tế. Thay vì dạy từng môn học riêng biệt, STEM tích hợp các kiến thức từ các lĩnh vực này, rèn luyện tư duy đa chiều, giúp các em hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề để ứng dụng ngay vào thực tế.
Có nhiều định nghĩa về STEM như “STEM là cách hiểu về thế giới tự nhiên và con người nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người” hay “STEM là sử dụng những bằng chứng và kỹ thuật toán học để hiểu về thế giới tự nhiên và con người nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống con người”. Mặc dù theo định nghĩa nào thì STEM cuối cùng là nhằm nâng cao cuộc sống của con người theo hướng tốt hơn.
>>> Xem thêm: Tích hợp chương trình STEM ở các trường quốc tế
STEM – Học tập ứng dụng vào thực tế
STEM sẽ giúp trẻ biết cách áp dụng các kiến thức lý thuyết áp dụng được ngay vào thực tế dựa trên cơ sở khoa học chặt chẽ. Giáo dục định hướng STEM có thể áp dụng từ bậc tiểu học cho đến học sinh cấp 3 theo các hướng khác nhau sao cho phù hợp với khả năng nhận thức, tiếp thu kiến thức của các em.
- Ở bậc tiểu học: Giáo dục STEM sẽ tập trung giúp các em làm quen, tạo hứng thú cho các em trong lĩnh vực STEM. Dựa trên các bài toán gắn liền với thực tế kết nối với lĩnh vực STEM, trẻ sẽ khám phá sự kỳ diệu trong các môn học trong STEM và yêu thích và muốn tìm hiểu thêm về các lĩnh vực này.
- Ở bậc trung học cơ sở: Trong giai đoạn này, định hướng giáo dục STEM sẽ có các chủ đề rõ ràng và nhiều thử thách hơn. Qua đó, trẻ có thể tự định hướng rõ hơn về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai qua các hiểu biết đa dạng về STEM.
- Ở bậc trung học phổ thông: Trẻ đã hiểu sự liên hệ giữa các lĩnh vực STEM và hoàn toàn giải quyết được các bài toán STEM thách thức hơn vì có những kiến thức và kỹ năng chắc chắn hơn. Trẻ sẽ hình thành được lộ trình nghề nghiệp cho mình trong tương lai.
Cách giáo dục định hướng STEM cho trẻ
Học qua các tình huống cụ thể
Kiến thức đến với trẻ một cách tự nhiên, không bị ép buộc trong một khuôn khổ nào thay vào đó là từ những tình huống để trẻ có thể cùng thảo luận, đưa ra cách giải quyết với bạn bè. Ví dụ, để dạy trẻ học toán, đếm số thì có thể đưa trẻ ra ngoài như chợ, siêu thị, đưa ra tình huống thực tế và để trẻ thực hành tính toán với các món hàng mua theo danh sách. Từ đó, trẻ ghi nhớ nhanh và lâu hơn về các khái niệm được cung cấp bởi các ngữ cảnh khác nhau trong cuộc sống.
Khơi dậy niềm đam mê khi tiếp cận với STEM
Học chương trình STEM giúp khơi dậy niềm đam mê khám phá kiến thức của trẻ vì sát với thực tế cuộc sống của các em. Từ đó trẻ sẽ quan tâm đến những điều mình sẽ làm và mục tiêu trong tương lai. Học STEM không chỉ là nghe giảng và ghi chép kiến thức một cách máy móc, nhàm chán thay vào đó cho trẻ thấy cách học mới thông qua các hoạt động vui chơi hấp dẫn để trẻ phát triển được các kỹ năng.
Tầm quan trọng của STEM đối với nghề nghiệp trong tương lai
Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM đang phát triển với tốc độ cao hơn bất kỳ nghề nghiệp nào khác trong thời đại công nghệ 4.0 với mức thu nhập cao hơn mức trung bình. Đó có thể là những công việc rất lạ nhưng cũng rất quen thuộc với mức độ mở rộng hơn rất nhiều và điều này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.
Làm sao để trẻ tiếp nhận chương trình học STEM
Biến STEM thành một phần cuộc sống
Bạn có thể đưa giáo dục STEM vào hoạt động thường ngày của trẻ. Ví dụ trong lúc nấu ăn bạn dạy trẻ về sự biến đổi chất, đo lường nguyên vật liệu, tìm hiểu và quan sát thực phẩm,… hoặc đi mua sắm có thể dạy trẻ lên kế hoạch, tính toán số lượng thực phẩm cần mua, tính toán số tiền đủ để mua,… Nên để trẻ tự giải quyết các vấn đề trước khi có sự tham gia của ba mẹ để trẻ tư duy và phát triển được các kỹ năng mềm khác.
Đưa trẻ đến gần với thiên nhiên
Với sự tò mò vốn có của những đứa trẻ đối với cuộc sống, thế giới bên ngoài căn nhà, chúng rất muốn được khám phá thiên nhiên, muốn thấy hoa cỏ lá. Áp dụng STEM khi đưa trẻ tiếp xúc thiên nhiên bằng cách cho trẻ tự thu thập các mẫu lá, sinh vật,… hay bất cứ điều gì trẻ thích sau đó đếm, phân tích, quan sát sự khác nhau giữa chúng và cùng nhau thảo luận.
Ba mẹ có thể gợi hướng tìm hiểu của trẻ bằng các câu hỏi “cái gì”, “vì sao”, “như thế nào”. Những câu hỏi để trẻ tư duy và tìm câu trả lời. Hãy thử hỏi “Con thấy gì ở đó?”, “Con nghe thấy gì?”, “Con nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”,…
Lắng nghe sở thích của trẻ
Phụ huynh có thể tạo ra cơ hội giáo dục STEM thông qua sở thích của con. Nếu trẻ yêu thích ô tô, thì có thể thực hiện các bài toán so sánh tốc độ xe lớn, xe nhỏ, tàu hỏa, ô tô,… Nếu trẻ thích bóng rổ các bạn có thể đưa ra các bài toán như tính toán góc độ, lực để có thể ném lon nước vào thùng rác hay quan sát yếu tố nào làm ảnh hưởng đến hướng bay của lon nước,… thảo luận cùng trẻ để đưa ra cách thực hiện chính xác và nhanh chóng.
Cho trẻ thực hành thường xuyên
Trẻ cần thực hành để hiểu rõ về những kiến thức đã học được như tự làm ngọn núi lửa với bakinh soda, tự tạo ra các mô hình đồ chơi, để trẻ hỗ trợ lắp ráp kệ tủ hay tháo lắp thiết bị điện tử bị hư trong nhà.
STEM đem đến cho trẻ những lợi ích gì?
Có 6 kỹ năng mà trẻ sẽ phát huy khi tham gia các khóa học theo định hướng STEM
Kỹ năng quan sát
- So sánh và đối chiếu sự khác nhau của sự vật, hiện tượng
- Biết phân loại và gộp dựa trên sự giống và khác nhau giữa các vật
- Tìm kiếm và xử lý các nguồn thông tin khác nhau
- Xác định được quy luật của hiện tượng, sự kiện.
Kỹ năng lên kế hoạch
- Biết đặt câu hỏi phù hợp
- Xác định các bằng chứng một cách chặt chẽ và có tính khoa học để trả lời cho các câu hỏi
- Đưa ra giả thuyết và dự đoán kết quả khi thay đổi tình huống
- Xác định được các yếu tố gây ảnh hưởng trong quá trình phân tích, thu thập thông tin
- Chuẩn bị, lên kế hoạch và phương pháp thực hiện công việc
- Lựa chọn các công cụ, thiết bị hỗ trợ hoặc phương án thay thế cho tình huống
- Lựa chọn được phương pháp thực hành phù hợp để thực hiện.
Kỹ năng thực hành
- Cách lấy mẫu trong tình huống cụ thể
- Sử dụng thiết bị phù hợp để thực hiện quy trình
- Tiến hành đo đạc, quan sát phù hợp cho những yêu cầu khác nhau
- Ghi nhận số liệu
- Thực hành theo các quy định an toàn tại nơi thí nghiệm, thực hành
Kỹ năng phân tích
- Kỹ năng tính toán và đưa ra kết quả chính xác
- Trình bày số liệu theo dạng đồ thị, biểu đồ
- Phân tích số liệu
- Sử dụng phương trình đơn giản để trình bày và giải quyết vấn đề
- Thực hiện phân tích toán học
- Sử dụng mô hình và lý thuyết liên quan để dự đoán kết quả
Kỹ năng đánh giá
- Phân tích lỗi dữ liệu
- Đánh giá và cải thiện phương pháp
- Đánh giá phương pháp thực hiện
- Đánh giá các giả thuyết, luận điểm bằng chứng cứ phù hợp
- Đánh giá mô hình khoa học
- Đánh giá rủi ro, lợi ích một cách khoa học
- Xem xét các hạn chế trong quá trình thực hiện
Kỹ năng giao tiếp
- Biết cách sắp xếp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau
- Đề xuất phương pháp thực hiện nhiệm vụ
- Trình bày giải pháp khoa học hiệu quả
- Đưa ra các giải thích hợp lý
- Có lập luận với bằng chứng xác thực
- Có kỹ năng trình bày hiệu quả với người nghe.
Kết,
Trên đây chính là các thông tin cơ bản về chương trình học STEM mà ba mẹ có thể tham khảo để tạo môi trường, thu hút trẻ bằng các hoạt động hằng ngày. Qua các trải nghiệm STEM thực tế giúp trẻ phát triển các kỹ năng và khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu về kiến thức xung quanh.
>>> Xem thêm: Bí quyết chọn trường tiểu học quốc tế tốt nhất cho con tại TP.HCM