Nhiều nhà tâm lý học cho rằng: Dự định là mong muốn có ý thức hoàn thành hành động phù hợp với chương trình đã vạch ra, hướng tới việc đạt được kết quả đã định.
Theo tác giả Phan Thị Tố Oanh, dự định chọn nghề là “mong muốn có ý thức hoàn thành hành động lựa chọn nghề nhằm đạt tới quyết định chọn nghề phù hợp với ý định cá nhân” [38, tr.49].
Sự lựa chọn nghề là biểu hiện cao của dự định nghề xuất hiện ở học sinh cuối THPT. Đó là “sự thử nghiệm quyết định sẵn sàng đối với một hoạt động có ích cho xã hội”. Nó cho thấy rất rõ xu hướng nghề của các em.
Đứng trước ngưỡng cửa vào đời, mỗi học sinh đều có những dự định chọn nghề cho riêng mình. Kèm theo dự định thường là những ước mơ về sự thành đạt nghề nghiệp trong tương lai. Sự hình thành dự định chọn nghề hầu như bao giờ cũng gắn việc xem xét, cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng như hứng thú, năng lực bản thân, định hướng phát triển kinh tế – xã hội và thị trường lao động với những điều kiện đã có và những khó khăn, thuận lợi sẽ gặp.
Với nhà trường phổ thông, việc hướng dẫn các em xây dựng cho mình moat dự định nghề nghiệp tương lai là nhiệm vụ quan trọng. Chính dự định này sẽ trở thành động cơ thúc đẩy từng học sinh tích cực học tập các môn liên quan đến trường – khối thi cũng như ngành – nghề định chọn. Do đó, việc động viên học sinh nói lên dự định nghề nghiệp tương lai của mình là rất cần thiết nhằm giúp các em chọn được nghề phù hợp. Dự định nghề nghiệp bao giờ cũng đi liền với hứng thú nghề nghiệp của học sinh. Hứng thú nghề nghiệp sẽ làm cho những dự định nghề nghiệp của các em gần với hiện thực hơn. Tới mức độ phát triển nào đó, hứng thú nghề nghiệp có thể trở thành lý tưởng nghề nghiệp, vạch ra cho các em con đường để đạt tới ước mơ đó. Nhiều em còn cố gắng vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và sửa đổi tính tình cho phù hợp với tính chất công việc mình chọn.
Sau khi tốt nghiệp THPT, các em học sinh có nhiều hướng đi, nhưng phổ biến nhất là hai hình thức sau:
1. Hoặc các em sẽ tiếp tục theo học một hình thức đào tạo nào đó như: đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các khoá đào tạo nghề ngắn hạn… Gắn với trường được lựa chọn là một nghề cụ thể mà các em thường có mong muốn sẽ được làm việc sau khi tốt nghiệp.
2. Hoặc tham gia lao động sản xuất với các hình thức phổ biến như: tham gia lao động nông nghiệp cùng với gia đình (tức lao động tại nhà), trực tiếp tham gia tại một cơ sở sản xuất, công trường xây dựng, xí nghiệp, công ty tư nhân… Trong trường hợp này, nếu vẫn nuôi ý định đi học thì có thể vừa làm vừa học hoặc khi có dịp sẽ tiếp tục việc học của mình.
Ngoài hai hình thức trên, một số học sinh có thể có những dự định khác tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nổi bật nhất là hoàn cảnh gia đình, như: đi du học, nhập ngũ, xuất khẩu lao động…