Năm 1993 được lấy làm mốc kể từ ngày Việt Nam bắt đầu tiếp nhận nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ các nhà tài trợ song phương, đa phương cũng như các tổ chức phi chính phủ. Hiện có 51 nhà tài trợ, bao gồm 22 nhà tài trợ đa phương, 29 nhà tài trợ song phương và có khoảng 600 tổ chức phi chính phủ tài trợ cho VN, trong đó lượng vốn lớn nhất là WB, Nhật Bản, ADB và EU, Pháp… Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngân hàng thế giới là cơ quan viện trợ đa phương lớn nhất (6,92 tỷ USD), Nhật Bản là quốc gia viện trợ song phương lớn nhất (6,68 tỷ USD) cho Việt Nam. Tính từ 1993 đến hết năm 2009, tổng lượng vốn ODA cam kết đạt khoảng 57,5 tỉ USD, tổng lượng vốn kí kết đạt khoảng 41,7 tỉ USD (chiếm 72,4%), tổng số vốn đã giải ngân đạt khoảng 25 tỉ (chiếm 43,6%). Như vậy Việt Nam là nước đang phát triển có tỷ trọng huy động nguồn vốn nước ngoài thông qua ODA khá lớn.
Hàng loạt công trình sử dụng nguồn vốn ODA (giải ngân) được đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống. Nếu xét trên bình diện tổng thể, nguồn vốn ODA hòa cùng các nguồn vốn trong nước góp phần đưa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước ta từ 3,5% năm 1993 lên 5.32% năm 2009 (đặc biệt từ năm 2005-2007: đạt mức bình quân trên 8%/ năm), đồng thời cũng góp phần giúp tỉ lệ hộ nghèo giảm đi đáng kể. Hơn thế, nhờ có lợi thế riêng “thành tố hỗ trợ” (lãi suất thấp, thậm chí bằng không, kết hợp thời gian vay dài, thời gian ân hạn cao…) đã tạo nên tính ưu đãi của ODA so với các nguồn vốn. Ví dụ : ODA của Nhật Bản có mức lãi suất dao động 0,75% -2,3%/ năm tùy thuộc vào tính chất từng dự án, thời hạn cho vay từ 30-40 năm, thời gian ân hạn 10 năm… Như vậy Việt Nam đã ưu tiên phần lớn nguồn vốn này vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế mang tính chất dài hạn. Nguồn vốn ODA đã bổ sung một nguồn kinh phí quan trọng cho đầu tư phát triển, chiếm khoảng 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 12-13% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong 5 năm trở lại đây. Song điều quan trọng hơn là ở chỗ nguồn vốn ODA đã được tập trung cao để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn của khu vực tư nhân, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân.