Năm 2006, Malaysia tiếp nhận 26.704 lao động Việt Nam. Năm nay, mặc dù vẫn chiếm số lượng cao nhất so với các thị trường khác, nhưng con số này chỉ bằng 70% số lao động đã đưa đi năm 2006. Lao động không còn mặn mà với thị trường này, bởi mức lương không hấp dẫn. Hiện nay có khoảng 120 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này, thu nhập nhìn chung ổn định. (Theo VnEconomy ngày 19/12/2007).
Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, năm 2008, các thị trường truyền thống sẽ tiếp tục khó khăn. Đơn cử, thị trường Đài Loan là một trong những thị trường truyền thống luôn tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam nhưng do nơi đây vẫn tiếp tục tạm dừng nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong các gia đình, nên lao động đưa sang chủ yếu là lao động công nghiệp, xây dựng và thuyền viên đánh cá. Tổng cộng có gần 24 ngàn lao động đã sang Đài Loan năm 2007.
Thị trường Quatar từ cuối năm 2006 đã bắt đầu nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, ngay sau đó, trong các tháng đầu năm 2007, số lượng lao động đưa đi tăng rất nhanh. Tuy nhiên, do toàn bộ lao động đưa sang Qatar là lao động xây dựng, chủ yếu là lao động tự học nghề, chưa qua đào tạo trường lớp nên ý thức tổ chức, kỷ luật kém. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phải chỉ đạo giảm nhịp độ đưa lao động đi để chấn chỉnh việc quản lý lao động.
Với thị trường cao cấp cánh cửa nhận lao động đã hẹp nay càng hẹp hơn. Việc Chính phủ Hàn Quốc hiện dừng thực hiện chương trình tiếp nhận lao động dưới hình thức tu nghiệp sinh công nghiệp. Vì vậy đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này chỉ được thực hiện theo chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài do Bộ Lao động Hàn Quốc và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp. Hiện nay có khoảng 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.
Ngoài số lượng lao động được đưa theo chương trình nói trên, năm 2007, Việt Nam còn cung ứng khoảng 1.700 thuyền viên đánh cá cho các chủ tàu Hàn Quốc. Vấn đề nổi lên trong việc đưa lao động sang Hàn Quốc hiện nay là tuyển chọn người. Số lượng được nước bạn tiếp nhận thì có hạn (mỗi năm chừng 10 ngàn người), trong khi lại có quá nhiều nhu cầu. Vì thế đã nảy sinh những vấn đề tiêu cực liên quan như: lừa đảo người lao động, chi phí trung gian lớn… Trong tương lai, Hàn Quốc sẽ xóa hẳn chế độ tu nghiệp sinh và thay thế hoàn toàn bằng chế độ cấp phép lao động. Trước mắt phía Hàn Quốc sẽ cải tiến chế độ tu nghiệp sinh một cách minh bạch và công khai hơn.