Nam Định có dân số 1.905.300 người, diện tích tự nhiên 163,7 ha, mật độ dân số bình quân 1164 người/km2 . Thời kỳ bao cấp, ngành công nghiệp nhẹ của Nam Định khá phát triển, đặc biệt là công nghiệp dệt may đã tạo việc làm, đảm bảo đời sống cho trên 2 vạn lao động. Bước vào thời kỳ đổi mới, khi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhất là vào thời kỳ 1996-1995, nền kinh tế của Nam Định gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường truyền thống của Liên Xô và Đông Âu không còn, công nghệ sản xuất cũ lạc hậu, năng xuất lao động thấp, giá thành sản phẩm cao, hàng hoá tồn đọng lớn, kinh doanh thua lỗ…nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp công nghiệp bị phá sản, ngành công nghiệp của Nam Định bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng. Sản xuất nông nghiệp của Nam Định cũng gặp không ít khó khăn, kinh tế nông nghiệp chậm phát triển so với các tỉnh lân cận. Nhìn chung đời sống của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, sức ép về lao động, việc làm ngày càng trở lên bức xúc, gay gắt. Sau 20 năm đổi mới (1996-2006), Nam Định đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn phát triển kinh tế tạo mở việc làm và đã thu được những kết quả quan trọng. Kinh nghiệm của Nam Định có thể khái quát như sau:
– Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế. Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định đã xây dựng chương trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001-2005 với những mục tiêu giải pháp như: Khôi phục phát triển làng nghề, xây dựng khu công nghiệp 33 và cụm công nghiệp, điểm công nghiệp có tính khả thi cao phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
– Khôi phục và phát triển làng nghề, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
– Tập trung xây dựng cụm công nghiệp, điểm công nghiệp nông thôn góp phần đẩy nhanh quá trình phân công lại lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
– Phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá. Để đẩy nhanh phát triển nông nghiệp, Nam Định đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Thực hiện áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt đã đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản với nhiều loại hình tổ chức sản xuất và quy mô phù hợp mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh, tạo mở được nhiều việc làm mới.