Du học Việc Làm Trong Nước

Đào tạo cho sinh viên còn những thiếu sót gì cho xin việc tương lai

single image

Thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm trái ngành trái nghề, công việc không ổn định xuất phát từ thực tế đào tạo của các trường đại học, cao đẳng. Chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng xa rời thực tế, cũ kĩ, lạc hậu không theo kịp sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, do đó chưa đáp ứng tốt yêu cầu chuẩn bị nhân lực cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Cho đến nay, khi thị trường lao động ngày càng thay đổi mạnh, đòi hỏi người lao động có những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng nhanh yêu cầu thực tế công việc thì chương trình học tại các trường đại học, cao đẳng vẫn cơ bản theo lối mòn cũ: nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Một số trường đã có những thay đổi nội dung đào tạo sát với thực tế hơn nhưng do thiếu điều kiện, phương tiện để sinh viên thực hành, thiếu sự liên kết trong đào tạo giữa nhà trường và cơ sở sản xuất, kinh doanh, việc thực tập của sinh viên bị buông lỏng quản lý, đôi khi chỉ mang tính hình thức bắt buộc nên khoảng cách học và hành vẫn còn xa vời. Khi ra trường, khối lượng kiến thức sinh viên có được chủ yếu trên sách vở khác xa với thực tế công việc. Do đó, sinh viên có nhiều bỡ ngỡ, lúng túng và thời gian để thích ứng với công việc tương đối dài. Trong khi đó, hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp đều muốn tuyển dụng những người có khả năng làm việc tức thì, thậm chí phải có vài năm kinh nghiệm.

Chương trình và nội dung đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng không những nặng về lý thuyết mà còn lạc hậu, chậm đổi mới, không bắt kịp được với sự phát triển với tốc độ cao của xã hội. Nội dung đào tạo hiện nay không khác mấy so với nội dung, chương của mấy chục năm trước. Điểm khác biệt căn bản chỉ ở chỗ đã có bổ sung, điều chỉnh chút ít chứ chưa phải là chương trình được xây dựng để thích hợp với những đòi hỏi của tình hình phát triển hiện nay. Do vậy, nó không cho phép vận dụng những phương pháp dạy học mới, mà chủ yếu còn mang tính áp đặt, chưa theo kịp sự phát triển khoa học công nghệ hiện đại; chưa tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tự học, tự nghiên cứu, phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên. Các trường hiện nay chủ yếu đào tạo theo những gì mình có chứ chưa đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Cơ cấu đào tạo ngành nghề mất cân đối, chưa bám sát nhu cầu thực tế. Khi đất nước thực hiện quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, khoảng 50% số sinh viên được hướng vào ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, báo chí, luật. Kết quả hàng vạn cử nhân quản trị kinh doanh ra trường thất nghiệp và làm những việc không dính dáng đến chuyên môn. Khi Nhà nước đặt mục tiêu phát triển công nghệ thông tin, các trường ồ ạt đào tạo kỹ sư làm phần mềm không cần biết nhu cầu xã hội đang cần kỹ sư xây dựng, chuyên gia tài chính giỏi về tin học hơn là những người biết về máy tính đơn thuần. Và hiện nay ưu tiên số 1 được chuyển qua các ngành thị trường chứng khoán, tài chính ngân hàng. Các trường không có một sách lược nhất quán từ nhiều năm trước đã tức thời mở ngay những chuyên ngành đào tạo này dù giảng viên vừa thiếu lại vừa yếu. Theo nhận định của các chuyên gia, trong vòng 3 năm tới các công ty chứng khoán, ngân hàng sẽ đủ nhân lực, nhu cầu sẽ chững lại. Bây giờ có thể là “sốt” nhưng sau đó rất có thể xuất hiện tình trạng “thừa ảo” nhân lực. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đóng tàu, nông lâm thuỷ sản, bảo hiểm cơ khí, du lịch là những ngành nghề còn “khát” nhân lực nhưng lại rất khó chiêu sinh.

You may like